Hà Nội, 12/2017.
Mọi người có thấy gì đó sai sai
không? Cự ly với Khoảng cách thì có gì khác nhau đâu. Đúng là như vậy. Câu này
remix từ câu “Nhứt cự ly, nhì tốc độ”, nó nằm trong một tuyển tập thành ngữ, ca
dao… remix của “ông cha” vui tính của tôi. Ngoài câu trên còn phải kể đến những
câu như là “Nhứt thủy nhì nước” (gốc: “Nhứt thủy nhì hỏa”), “Nhứt bì nhì da” (gốc:
“Nhứt bì nhì cốt”)… Đôi lúc cũng phải bật cười với thanh niên này. Cả câu gốc
và câu remix, tôi không hiểu lắm những ý nghĩa ẩn sau nó, chỉ là nó hơi liên
quan tới chủ đề tôi quan tâm nên tôi vất vô giật tít thôi: Yêu xa. Gia Lai
tháng 7/2017, Thề sẽ không yêu xa số 1 ra đời nói về những tình cảm đặc biệt giữa
những người “không quen biết”. Hà Nội tháng 12/2017 một lần nữa tôi va phải nhiều
người lạ, nhưng đó cũng là một cơ duyên giúp tôi thâu nhận những mảnh ghép, những
từ khóa còn thiếu trong bức tranh tư duy của tôi về một thứ yêu xa khác, gọi là
yêu ĐỒ ĂN ở xa.
Một ngành sản xuất trong thời đại
công nghiệp muốn giảm chi phí, để tạo nên ưu thế cạnh tranh, tăng lợi nhuận thì
cơ bản cần đảm bảo 5 tiêu chí: Nhanh – Nhiều – Rẻ – Bền – Đẹp. Ngành sản xuất lương
thực, thực phẩm không là ngoại lệ và khi kết hợp những đặc trưng của ngành này
với yêu cầu công nghiệp, thì điều thú vị sẽ xảy ra. Lương thực, thực phẩm là những
thứ con người ăn, uống để cấu tạo và nuôi dưỡng cơ thể, vì thế thành phần chính
của chúng (trừ nước) là chất hữu cơ. Chất hữu cơ từng được gọi là chất trời ban,
chỉ được sinh ra từ các sinh vật sống. Loài người đã phủ nhận điều này sau khi
tự tổng hợp được chất hữu cơ từ các chất vô cơ bên ngoài cơ thể sinh vật. Bước
lên tầm cao mới, chúng ta nâng cao khả năng tự tạo ra, điều khiển, kiểm soát
các chất hữu cơ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao và ngày càng đa dạng của mình.
Áp dụng những tiến bộ hóa học kết hợp với thành tựu ở các lĩnh vực công nghệ
sinh học, công nghệ gen, cơ khí… vào ngành sản xuất lương thực, thực phẩm,
chúng ta tạo ra lượng sản phẩm Nhiều hơn, Nhanh hơn, Rẻ hơn và Bền hơn.
Tôi xin nói thêm về yếu tố Bền của
lương thực, thực phẩm. Các chất dinh dưỡng trong thức ăn rất dễ bị tấn công bởi
các yếu tố từ môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, oxi, vi khuẩn, nấm… Sở
dĩ như vậy bởi vì cả sinh giới đều sử dụng chất dinh dưỡng. Các chất này có độ
bền vật lý, hóa học vừa phải và có thể bị phân giải bởi hệ enzym được hoàn thiện
qua hàng tỉ năm. Trong điều kiện “yêu xa” hiện nay, chúng ta muốn có sữa Hà Lan
uống mỗi sáng, nho Mỹ cho buổi trưa và thịt bò Úc mỗi buổi tối. Vậy nên chúng
ta thiết lập những cách thức đặt biệt để kiểm soát quá trình phân hủy tự nhiên
của thức ăn. Từ nhiệt độ thấp, độ muối cao, khí trơ, gói kín trong polymer… đến
sự hỗ trợ của hóa chất. Hóa chất thường được hiểu là những chất do con người sản
xuất ra. Để đảm bảo yêu cầu Nhanh, Nhiều, chúng ta đã tìm cách tổng hợp các chất
giống và gần giống trong tự nhiên, nhưng ở điều kiện không tự nhiên: nhiệt độ
cao, áp suất lớn, nồng độ cao, hoạt tính mạnh… Hóa chất còn hỗ trợ đắc lực
trong việc ngăn chặn các yếu tố hóa sinh tấn công thức ăn. Hóa chất còn giúp tạo
màu, tạo mùi, độ bóng, độ giòn, độ dẻo… Nhờ hóa chất, chúng ta gần như toàn
năng!
Sản xuất phát triển, dân số gia
tăng, lợi nhuận tăng theo cấp số nhân… một phần đắc lực nhờ yếu tố Bền của hóa chất trong thức
ăn. Và lâu sau đó, vấn đề dần lộ ra, cũng vì nó Bền. Hóa chất vượt qua vòng kiểm
soát của những điều kiện vật lý, hóa học trong môi trường thông thường, vì nó
đã đi qua điều kiện khắc nghiệt của nhà máy. Hệ thống sinh vật, vi sinh vật
chào thua hóa chất vì cấu trúc khác lạ của nó, chúng không có sẵn enzym để phân
giải những chất con người mới tạo ra. Và chính cơ thể chúng ta cũng gặp điều
tương tự. Khi bạn bị gai đâm và nếu nó nằm lại trong da, thì dần dần chỗ đó bị viêm
sưng hoặc biến thành cục chai. Tương tự, những hóa chất
Bền, với số lượng Nhiều, tốc độ Nhanh tấn công cơ thể chúng ta ở cấp độ tế bào,
cấp độ phân tử. Có khi nó được loại bỏ bởi gan, thận, phổi, da… Có khi nó ở lại
trong tế bào, leo lên AND ngồi chơi không chịu xuống. Nguy hiểm hơn nếu hóa chất nào
đó ham vui tham gia vào những quá trình sinh hóa phức tạp và làm quá trình ấy bị lệch hướng, theo cách nào loài người chưa hiểu được, và có khi cũng không hề biết đến
hóa chất đó và chu trình đó. Tế bào chiến đấu, chết và bị thương vô số. Những
thương tổn truyền qua nhiều thế hệ tế bào, tích tụ lại và, tạo ra X-men hoặc bệnh
tật. “Chúng ta đang sống trong một bể hóa chất” - Cô Trần Thị Như Trang, giảng
viên Hóa Phân tích, khoa Hóa học, Đại học KHTN HCM. Vâng thưa cô, em sẽ cố không tạo
ra nhiều hóa chất nữa.
Loài người không sản xuất theo
cách này thì còn cách khác nữa chứ? Có một vài cách sản xuất khác, mà người ta
gọi là thuận tự nhiên, hữu cơ hoặc cũng có thể gọi là cách sản xuất lạc hậu,
manh mún, tự cung tự cấp… Tôi sẽ cố sống lâu để xem những chuyện thú vị sau
này.
---
Cảm ơn những người đã mang những
mảnh ghép tới với tôi.
Bài viết mang tính chủ quan cá nhân và chưa được kiểm định chất lượng :))
Bài viết mang tính chủ quan cá nhân và chưa được kiểm định chất lượng :))
Dakmil,
12/02/2018
Planck.
Planck.