Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

''Có chàng trai viết lên cây"

Thường thì khi nghe một bản nhạc, tôi thường để chúng lướt qua những lần đầu. Những giai điệu nào đọng lại, chợt vang lên trong tiềm thức thì đó là những thang âm chạm đến những xúc cảm sâu trong tâm hồn. Những nhẹ nhàng, dạt dào rồi cuộn trào, quặn thắt... Đó là những thứ thuần cảm xúc. Chúng mang một  hình hài riêng, một ý nghĩa riêng, một tác phẩm trọn vẹn. Lời ca với tôi chỉ là thứ yếu. Ngôn từ có những sức mạnh và giới hạn riêng của nó. Nó có thể kéo lệch cảm xúc của bản nhạc.
Nhưng đối với "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh, cảm xúc của giai điệu và của lời hát đồng nhất, đồng thời, hỗ trợ nhau. Bài hát như một câu chuyện trong veo, nhẹ nhàng, buồn, kìm ném và réo rắt. Những câu hát dài miên man, ngắt nghỉ không phụ thuộc công thức nào. Cao độ lên xuống liên tục và tự nhiên, hài hòa với thanh âm của ca từ. Mạch kể chuyện xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, giữa những hồi ức nhẹ nhàng và cao trào chia ly rồi gặp lại. Cảm xúc của tác giả cũng là người thể hiện bài hát bộc lộ một cách chân thật, đồng thời, thống nhất và trọn vẹn trong mọi thành tố của tác phẩm, từ giai nhạc, lời và giọng hát. 
"Có chang trai viết lên cây thực sự là của hiếm của nhạc trẻ Việt Nam.

"Có chàng trai viết lên cây"
Sáng tác và thể hiện; Phan Mạnh Quỳnh
Hòa âm: Hoài Sa, Phan Mạnh Quỳnh
Phối khí: Minh Hoàng
Link: https://www.youtube.com/watch?v=EUEUZDV-in0
HCM, 7/2019
Plk

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

"Để Mị nói cho mà nghe''

Tác phẩm "Để Mị nói cho mà nghe" gợi nhớ về những áng văn bất hủ phản ánh hiện thực xã hội của một giai đoạn lịch sử Việt Nam. Ở đó, những con người nhỏ bé bị kìm kẹp, bị áp bức một cách tàn bạo mà không có cách nào phản kháng.

Mị - A Sử: Cô gái H'mong xinh đẹp bị bắt về làm nô lệ gạt nợ. Hình ảnh Mị bị trói đứng trong đêm hội lửa xuân đang bừng bừng biểu trưng cho sự trói buộc vào một cuộc hôn nhân không mong muốn chôn vùi cả thanh xuân.
Tràng: Chàng thanh niên nhà nghèo với cơ may cười ra nước mắt khi ''nhặt'' được vợ. Để rồi miếng cám lợn đắng ngắt trong miệng chẳng nói nên lời.
Chí Phèo - Thị Nở: Nam Cao đã xây dựng một hình ảnh ấn tượng và nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam giai đoạn ấy: Chí Phèo. Ông phác họa một hình tượng nông dân hiền lành nhưng bị xã hội thối nát "tha hóa", "bần cùng hóa", "côn đồ hóa''. Mối tình oan trái và dị thường của Chí với Thị Nở cũng là một giai thoại khó quên.
Lão Hạc - Cậu Vàng: "Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!" Kiếp người hay kiếp chó thời ấy chẳng biết có kiếp nào sướng hơn, kẻ thì thì phải bán đi, kẻ phải ăn bả.
Chị Dậu: sống hết hơn nửa đời bị bóc lột, cái chị Dậu nhận được chỉ là "trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị"
Xuân Tóc Đỏ: ma cà bông oắt con, tay lừa đảo mà nhờ "Số đỏ" tự nhiên biến thành Idol, đốc tờ, vận động viên, nhà diễn thuyết, anh hùng dân tộc... 

Nhưng các tác giả của "Để Mị nói cho mà nghe" không dừng lại ở việc nhắc lại những huyền thoại. Trong tác phẩm, Mị đã vùng lên tháo bỏ xiềng xích, khoác lên mình những bộ váy áo đẹp nhất và chạy đến cuộc sống mà Mị mong ước. Nhiều câu nói đã trở thành qoute của giới trẻ hiện nay được sử dụng trong bài hát, như "Em làm gì đã có người yêu, em còn đang sợ ế đây này" hay "Mị vẫn còn trẻ, Mị vẫn muốn đi chơi'' (một điều thú vị là tên riêng ''Mị'' đang dần được các bạn trẻ sử dụng như đại từ nhân xưng "mị"). Những điều kể trên làm Mị sao gần gũi quá, sao giống "mị'' quá.
Không dừng lại ở đó, trên hành trình tự do của mình, Mị còn kéo theo Tràng ốm nhom ốm nhắt vì kéo xe bò, cặp đôi định mệnh Phèo - Nở, ngăn lão Hạc tự tử và đưa cậu Vàng trở về...
Hình ảnh tôi cho là đắt bậc nhất bài hát là khi A Sử bắt được Mị trong buổi party, chẳng có thêm chút bạo lực hay đày đọa nào với cô gái ấy nữa, vì bên cạnh cô giờ đây là Tràng, Chí, lão Hạc, Chị Dậu... Những con người ấy đã cùng nhau vùng lên thoát khỏi cùm gông, bảo vệ nhau chống lại kẻ ác. Để rồi A Sử phải thay đổi, cùng múa khèn với mọi người góp vui. Đó là tinh thần rất mới, rất thời đại: những người yếu thế đứng lên giành lấy cuộc sống mình đáng có, bảo vệ nhau và cùng nhau phát huy tài năng, nhân cách. Họ không chỉ cùng nhau chống lại kẻ áp bức mà còn cảm hóa, thay đổi những người này. Xã hội của chúng ta vì thế mà tốt đẹp hơn.

Giấc mơ vội qua và rồi chỉ còn một không gian vuông vuông, những dãy bàn ngay ngắn, màu áo trắng đồng phục, tiếng giảng bài đều đều... Bên cạnh Mị vẫn là những Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc, cậu Vàng... như trước kia.

Để Mị nói cho mà nghe
Đạo diễn: Nhu Đặng
Quay phim: Đức Bi
DOP: Minh Ku
Sáng tác: DTAP
Thể hiện: Hoàng Thùy Linh
Biên đạo: Đức Việt
Dance crew: HN-XGirls

HCM, 7/2019
Plk



Sâu trong giấc mơ

Sâu trong giấc mơ, có... ...một khu rừng chiều. Ánh sáng gần tắt lịm trong mây, dù mặt trời chưa lặn hẳn. Giữa đám cây gỗ lưa thưa, đứa...