Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Sâu trong giấc mơ

Sâu trong giấc mơ, có...

...một khu rừng chiều. Ánh sáng gần tắt lịm trong mây, dù mặt trời chưa lặn hẳn. Giữa đám cây gỗ lưa thưa, đứa bé ngồi bệt dưới đất, cạnh những con nai, con thỏ bất động, mắt mở vô hồn...
Từ bốn phía, nhiều người xuất hiện, lặng lẽ tiến sát vào, sát dần...
Những cái bóng mờ dày đặc lại, phủ lên những sinh vật bé nhỏ.
Đứa trẻ bấu chặt tay xuống cỏ đất, muốn nấc lên và van xin. Nhưng cả ở trong giấc mơ, chỉ có bóng tối và sự câm lặng vẫn siết chặt lấy cậu. Còn nước mắt thì chảy ngược vào trong...

Tỉnh giấc. Đôi mắt ráo hoảnh. Thấm tháp nỗi đau và đặt giấc mơ bên cạnh, cậu nhìn ra bên ngoài và suy nghĩ về những điều mình sẽ làm.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

BÔNG HOA TRÊN MẶT ĐẤT


BÔNG HOA TRÊN MẶT ĐẤT

Mấy năm trước, vào độ tháng 3, tôi có một chuyến đi không định trước lên Đà Lạt. Ngồi trên xe ngó ra ngoài cửa kính xem cảnh vật lướt qua, bất chợt người chung xe hỏi tôi là lên Đà Lạt tôi sẽ đi đâu chơi. Tôi chột dạ. Ừ thì lên đó tôi ghé nhà người quen, sau đó thì… tính tiếp. Rồi họ bảo là phải dạo bờ hồ, ghé chợ đêm, ăn bánh tráng nướng, uống sữa đậu nành… mới biết Đà Lạt. Tôi cũng ậm ừ cho qua chuyện, bởi tôi chưa có ý tưởng nào. Đúng hơn thì tôi cũng sẽ đi kiếm hồn Đà Lạt đấy, nhưng tôi không nghĩ nó xuất phát từ những món ăn, những địa điểm check in như người ta thường nói. Phải có thứ gì đó ẩn sâu dưới lớp văn hóa, xác định vẻ đẹp của con người nơi đây. Bởi không có bánh tráng nướng nữa, không có chợ đêm nữa, không có con người sống ở Đà Lạt nữa, thì miền đất ấy sẽ biến mất chăng? Không đâu, miền đất tồn tại từ trước khi có con người hàng triệu năm, cư dân ở đấy lại luôn thay đổi qua từng thời kỳ. Phải có yếu tố tự nhiên đặc biệt nào đó, khiến cho người sống ở Đà Lạt lựa chọn những hành động của mình tô vẽ thêm cho ngôi nhà của họ. Nhưng bí mật đó là gì, tìm kiếm nó ở đâu, cứ lên tới nơi tôi sẽ tính.
Sáng hôm sau, dậy sớm, tôi mò ra khỏi nhà đi dạo. Tôi lang thang trong một con đường nhỏ ở ngoại ô thành phố. Trời mây mù bàng bạc, ánh bình minh xuyên qua không nổi. Mưa phùn bay lâm râm, từng hạt mát lạnh chạm vào mặt tôi. Mới hôm qua tôi còn trong cái nắng nóng mùa khô hừng hực ở Sài Gòn. Cảm giác thực sự khác biệt. Mọi thứ, mọi người dường như vẫn ngủ yên, nhưng có thứ gì đó đã thức giấc, thu hút ánh nhìn của tôi. Những bông bồ công anh cao ngang gối người, phô lên sắc vàng ấm áp. Thật lạ, bông hoa thật cao và thật to, so với những chiếc lá bé nhỏ của nó nằm sát mặt đất. Nhìn quanh quất, những cây bồ công anh khác cũng vậy, rồi thì hoa hiên, hoa cúc, hoa hồng… và cơ man hoa dại khác. Chúng đều có những bông hoa thật to và thật đẹp so với cùng loài mọc ở nơi khác. Làn mưa mát lạnh hắt vào mặt tôi lần nữa. Tôi như bừng tỉnh, ngước mặt lên bầu trời cao mây xám đang dần sáng lên. Khoảnh khắc ấy, tôi như một cái cây đắm mình trong miền đất này. Nơi mà mọi điều kiện tự nhiên từ nắng, gió, mưa, nhiệt độ, không khí…đều dễ khiến cho cây cối bung ra những tinh túy của nó: hoa trái. Điều ấy đã xảy ra hàng ngày, hàng tháng, hằng năm, hằng bao thế hệ sống ở cao nguyên này từ trước khi con người đặt chân đến. Con người đã nương theo những điều kiện tự nhiên ấy mà xây dựng, tô vẽ thêm cho Đà Lạt.
Tâm hồn ngập tràn những dịu mát, nhưng đây chỉ là lần ghé thăm thôi, nên tôi không dám lưu luyến. Chỉ dặn lòng rằng mình sẽ còn trở lại, sẽ đắm sâu hơn vào miền đất ấy.

HCM, 9/2017
Planck

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Cuộc chiến giữa kiến và ong



Nhận diện
Đa số các loài ong là những loài sinh vật có tính xã hội rất cao. Chúng có sự chuyên hoá trong cấu trúc cơ thể và giới tính để phù hợp với những vai trò khác nhau trong việc xây tổ, kiếm ăn, bảo vệ tổ, sinh sản và chăm sóc con non. Một con ong không thể duy trì sự sống và sinh sản một cách đơn lẻ. Vì vậy chúng có sự phối hợp rất chặt chẽ và sãn sàng hy sinh cho đàn của mình. Đó là sức mạnh lớn nhất của loài ong. Bên cạnh đó, cũng không quên kể đến đức tính chăm chỉ, khả năng bay và định hướng không gian điêu luyện, cùng với nọc độc của phần lớn các loài ong.

Thế nhưng có những loài ong bằng một cách nào đó đã không sở hữu thứ vũ khí đáng sợ mang tên nọc độc. Đó là nhóm ong không nọc, hay còn gọi là ong dú. Chúng có cơ thể nhỏ, xây tổ trong những hốc đất, hốc cây và cả những kẽ hở của hang đá. Nhỏ bé và không có nọc nên chúng khá hiền lành.
Trong các loài có tập tính xã hội cao, chúng ta cũng không nên quên  nhắc đến loài kiến. Chúng cũng sở hữu các đặc tính xã hội tương tự loài ong như sự biệt hoá cơ thể và vai trò, tinh thần đoàn kết và sẵn sàng hy sinh. Nhưng khác với ong ăn thực vật, kiến có chế độ ăn tạp. Chúng ăn cả thực vật, động vật và nấm. Không chỉ nhặt nhạnh, kiến cũng là kẻ săn mồi có máu mặt. Nhỏ bé hơn phần lớn các con mồi của mình, nhưng chúng có sức khoẻ vượt trội so với kích thước, đôi càng sắc, nọc ở đuôi và quan trọng hơn là số lượng áp đảo cùng với tính lì lợm. Kiến có chiến lược đi săn cụ thể: tấn công, đeo bám, liên tiếp chích nọc độc làm tê liệt con mồi, xả xác bằng những đôi càng sắc nhọn và vận chuyển về tổ. Chúng ta dễ dàng liệt kê một danh sách dài những nạn nhân của kiến như giun, châu chấu, bọ ngựa, nhện, chim... Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra khi có một cuộc đụng độ giữa kiến và ong?

Chạm trán
Một tổ ong dú nằm ở lỗ hổng trong một căn nhà gỗ. Cái vòi sáp dài ở cổng tổ ong vừa bị đứt trong một lần sửa nhà gần đây.
Một loài kiến sống dọc theo các vách tường bê tông, có khả năng đục khoét các kẽ hở để làm tổ. Chúng đang lang thang mở rộng địa bàn kiếm ăn của mình. Và chúng đã phát hiện ra con mồi tiềm năng: một tổ ong với rất nhiều mật, thịt và cả những con nhộng béo ngậy. Thật đáng cho một cuộc đi săn.
Vào một chiều tháng 8 âm u, các con kiến tập trung một lực lượng lớn bên ngoài tổ ong rồi bất ngờ tấn công đồng loạt. Chúng chia cắt những con ong bên ngoài với những con ong ở trong, cô lập tổ ong. Kiến tiến sát cổng vào, rung rinh râu thăm dò và tiến vào. Bầy ong phát tín hiện khẩn cấp rồi tuôn ra như xả lũ, đẩy lũ kiến ra ngoài. Những con ong bò náo loạn xung quanh cửa hang, dẫm đạp lên đàn kiến. Nhưng khi ở trên mặt đất, ong chỉ là những sinh vật to kệnh vụng về nếu so với những con kiến thiện chiến. Kiến bình tĩnh đáp trả, gan lì bám trụ và dùng đôi càng cặp vào chân ong. Ba, bốn rồi ngày càng nhiều kiến đeo bám một con ong rồi ra sức kéo căng về mọi phía. Phần lớn ong tháo chạy lên không trung trong khi một số không thể thoát thân, xác của chúng bị cắt thành từng mảnh và bị tha đi. Những con ong tìm cách đáp xuống nhanh chóng bị đẩy lui. Đàn kiến lại độc chiếm mặt đất nhưng đàn ong đã đạt được mục đích của mình: bảo vệ cửa hang. Thường xuyên có 3 con ong đứng án lấy lối vào, quay cái đầu to và cứng ra chống lại những đôi càng của kiến. Cứ mỗi lần kiến xông lên là ong giữ cổng xô ra rồi nhanh chóng lùi lại bít kín cổng. Đàn kiến ra sức tấn công nhưng vô hiệu. Hai bên rơi vào thế giằng co.

Cầm cự
Mặt trời dần xuống. Kiến có lý do để  trông chờ bóng tối vì chúng có khả năng kiến ăn ban đêm còn ong thì không. Trong suốt thời gian này, đàn kiến vẫn tập trung quân số lớn và chờ đợi. Thế nhưng những con ong lần nữa cho thấy mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng. Một hàng rào bằng sáp ong được dựng nên che kín lối vào. Loại sáp này đủ bền dẻo để chống lại những con kiến to khoẻ nhất.

Kết cục
Sáng hôm sau khi mặt trời lên, cánh cổng kín được mở ra và liên tục có ong canh gác. Đàn kiến nhận thấy chúng sẽ không thu được lợi ích tương xứng nếu tiếp tục bao vây tổ ong. Chúng thu quân về dần dần, tới lúc chỉ còn vài con kiến lang thang kiếm ăn gần đó. Cuộc sống yên bình trở lại với đàn ong dú. Chúng tiếp tục làm việc chăm chỉ, xây chiếc vòi dài hơn và sẵn sàng trước những đợt tấn công khác.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

''Có chàng trai viết lên cây"

Thường thì khi nghe một bản nhạc, tôi thường để chúng lướt qua những lần đầu. Những giai điệu nào đọng lại, chợt vang lên trong tiềm thức thì đó là những thang âm chạm đến những xúc cảm sâu trong tâm hồn. Những nhẹ nhàng, dạt dào rồi cuộn trào, quặn thắt... Đó là những thứ thuần cảm xúc. Chúng mang một  hình hài riêng, một ý nghĩa riêng, một tác phẩm trọn vẹn. Lời ca với tôi chỉ là thứ yếu. Ngôn từ có những sức mạnh và giới hạn riêng của nó. Nó có thể kéo lệch cảm xúc của bản nhạc.
Nhưng đối với "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh, cảm xúc của giai điệu và của lời hát đồng nhất, đồng thời, hỗ trợ nhau. Bài hát như một câu chuyện trong veo, nhẹ nhàng, buồn, kìm ném và réo rắt. Những câu hát dài miên man, ngắt nghỉ không phụ thuộc công thức nào. Cao độ lên xuống liên tục và tự nhiên, hài hòa với thanh âm của ca từ. Mạch kể chuyện xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, giữa những hồi ức nhẹ nhàng và cao trào chia ly rồi gặp lại. Cảm xúc của tác giả cũng là người thể hiện bài hát bộc lộ một cách chân thật, đồng thời, thống nhất và trọn vẹn trong mọi thành tố của tác phẩm, từ giai nhạc, lời và giọng hát. 
"Có chang trai viết lên cây thực sự là của hiếm của nhạc trẻ Việt Nam.

"Có chàng trai viết lên cây"
Sáng tác và thể hiện; Phan Mạnh Quỳnh
Hòa âm: Hoài Sa, Phan Mạnh Quỳnh
Phối khí: Minh Hoàng
Link: https://www.youtube.com/watch?v=EUEUZDV-in0
HCM, 7/2019
Plk

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

"Để Mị nói cho mà nghe''

Tác phẩm "Để Mị nói cho mà nghe" gợi nhớ về những áng văn bất hủ phản ánh hiện thực xã hội của một giai đoạn lịch sử Việt Nam. Ở đó, những con người nhỏ bé bị kìm kẹp, bị áp bức một cách tàn bạo mà không có cách nào phản kháng.

Mị - A Sử: Cô gái H'mong xinh đẹp bị bắt về làm nô lệ gạt nợ. Hình ảnh Mị bị trói đứng trong đêm hội lửa xuân đang bừng bừng biểu trưng cho sự trói buộc vào một cuộc hôn nhân không mong muốn chôn vùi cả thanh xuân.
Tràng: Chàng thanh niên nhà nghèo với cơ may cười ra nước mắt khi ''nhặt'' được vợ. Để rồi miếng cám lợn đắng ngắt trong miệng chẳng nói nên lời.
Chí Phèo - Thị Nở: Nam Cao đã xây dựng một hình ảnh ấn tượng và nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam giai đoạn ấy: Chí Phèo. Ông phác họa một hình tượng nông dân hiền lành nhưng bị xã hội thối nát "tha hóa", "bần cùng hóa", "côn đồ hóa''. Mối tình oan trái và dị thường của Chí với Thị Nở cũng là một giai thoại khó quên.
Lão Hạc - Cậu Vàng: "Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!" Kiếp người hay kiếp chó thời ấy chẳng biết có kiếp nào sướng hơn, kẻ thì thì phải bán đi, kẻ phải ăn bả.
Chị Dậu: sống hết hơn nửa đời bị bóc lột, cái chị Dậu nhận được chỉ là "trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị"
Xuân Tóc Đỏ: ma cà bông oắt con, tay lừa đảo mà nhờ "Số đỏ" tự nhiên biến thành Idol, đốc tờ, vận động viên, nhà diễn thuyết, anh hùng dân tộc... 

Nhưng các tác giả của "Để Mị nói cho mà nghe" không dừng lại ở việc nhắc lại những huyền thoại. Trong tác phẩm, Mị đã vùng lên tháo bỏ xiềng xích, khoác lên mình những bộ váy áo đẹp nhất và chạy đến cuộc sống mà Mị mong ước. Nhiều câu nói đã trở thành qoute của giới trẻ hiện nay được sử dụng trong bài hát, như "Em làm gì đã có người yêu, em còn đang sợ ế đây này" hay "Mị vẫn còn trẻ, Mị vẫn muốn đi chơi'' (một điều thú vị là tên riêng ''Mị'' đang dần được các bạn trẻ sử dụng như đại từ nhân xưng "mị"). Những điều kể trên làm Mị sao gần gũi quá, sao giống "mị'' quá.
Không dừng lại ở đó, trên hành trình tự do của mình, Mị còn kéo theo Tràng ốm nhom ốm nhắt vì kéo xe bò, cặp đôi định mệnh Phèo - Nở, ngăn lão Hạc tự tử và đưa cậu Vàng trở về...
Hình ảnh tôi cho là đắt bậc nhất bài hát là khi A Sử bắt được Mị trong buổi party, chẳng có thêm chút bạo lực hay đày đọa nào với cô gái ấy nữa, vì bên cạnh cô giờ đây là Tràng, Chí, lão Hạc, Chị Dậu... Những con người ấy đã cùng nhau vùng lên thoát khỏi cùm gông, bảo vệ nhau chống lại kẻ ác. Để rồi A Sử phải thay đổi, cùng múa khèn với mọi người góp vui. Đó là tinh thần rất mới, rất thời đại: những người yếu thế đứng lên giành lấy cuộc sống mình đáng có, bảo vệ nhau và cùng nhau phát huy tài năng, nhân cách. Họ không chỉ cùng nhau chống lại kẻ áp bức mà còn cảm hóa, thay đổi những người này. Xã hội của chúng ta vì thế mà tốt đẹp hơn.

Giấc mơ vội qua và rồi chỉ còn một không gian vuông vuông, những dãy bàn ngay ngắn, màu áo trắng đồng phục, tiếng giảng bài đều đều... Bên cạnh Mị vẫn là những Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc, cậu Vàng... như trước kia.

Để Mị nói cho mà nghe
Đạo diễn: Nhu Đặng
Quay phim: Đức Bi
DOP: Minh Ku
Sáng tác: DTAP
Thể hiện: Hoàng Thùy Linh
Biên đạo: Đức Việt
Dance crew: HN-XGirls

HCM, 7/2019
Plk



Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

NẾU MỘT NƠI...

NẾU MỘT NƠI... Nếu một nơi chỉ thở thôi mà sống Thì sẽ là đây, sẽ là đây Khí trời mát, không điều hoà, bạc hà hay tẩy đá Đượm mùi đất, mùi cây cỏ, mùi hoa Nếu một nơi chỉ cần ăn mà sống Có phải là đây, có phải là đây? Nơi trái hoa và rau dại ngập lối Ăn chúng vào thì có “dại” hay không? Nếu một nơi ngắm trời mây mà sống Thì hãy tới đây, hãy tới đây Trời xanh ngắt, mênh mông như hạ xuống Bên hiên cửa, đưa tay chạm vào mây Nếu một nơi chỉ cần yêu mà sống Không phải là đây, không phải là đây Tôi chênh vênh bên đồi nghe gió rít Và tiếng lòng nức nở ở bên trong Bao xa là gần, bao gần là xa? Nếu một nơi chỉ cần yêu mà sống —— Nếu một nơi ta làm thơ mà sống Thì hẳn là đây, hẳn là đây Rìa của cao nguyên hai mùa lộng gió Gió mang mây, mang mưa, mang lạnh câm... Nếu một nơi ta làm thơ mà sống Nếu một nơi cần phải bơi mà sống Đây sống nổi không, sống nổi không Nơi không có biển cũng không có sông Nếu một nơi cần phải bơi mà sống Dakmil, 20/7/2018 —————— NẾU MÀ TA... Nếu mà ta chỉ thở thôi mà sống Thì sống ở đây, sống ở đây Khí trời mát, ko điều hoà, bạc hà hay tẩy đá Đượm mùi đất, mùi cây cỏ và mùi hoa Nếu mà ta chỉ cần ăn mà sống Có phải là đây, có phải là đây? Nơi hoa trái và rau dại ngập lối Ăn chúng vào thì có dại hay không? Nếu mà ta ngắm trời mây mà sống Thì hãy tới đây, hãy tới đây Trời xanh ngắt, mênh mông như hạ xuống Bên hiên cửa, đưa tay chạm vào mây Nếu mà ta chỉ cần yêu mà sống Không phải là đây, không phải là đây Tôi chênh vênh bên đồi nghe gió rít Và tiếng lòng nức nở ở bên trong Bao xa là gần, bao gần là xa? Nếu mà ta chỉ cần yêu mà sống —— Nếu mà ta chỉ làm thơ mà sống Thì hẳn là đây, hẳn là đây Rìa của cao nguyên hai mùa lộng gió Gió mang mây, mang mưa, mang lạnh câm... Nếu mà ta chỉ làm thơ mà sống Nếu mà ta cần phải bơi mà sống Đây sống nổi không, sống nổi không Nơi không có biển cũng không có sông Nếu mà ta cần phải bơi mà sống Dakmil, 20/7/2018 ——

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

NHỮNG VỆT NẮNG...


Mộ phần Y Út Niê - Người ký âm tiếngÊ Đê bằng mẫu tự Latin
...đậu trên mùng, đổ dài trên sàn nhà, long lanh xuyên qua những khe gỗ..., những hạt bụi nhẹ tênh, biếng nhác vẩn vơ, mờ ảo trong ánh nắng - cảm giác thân thuộc của một sớm mai trong căn nhà thời niên thiếu...
Nhưng căn nhà ấy không có ở đây, nó nằm cách đây tầm 60 km về phía Tây và cao hơn 300 m. À mà ở đây là ở đâu? Là một homestay có mấy căn nhà dài của người Ê Đê, ngoài rìa thành phố Buôn Ma Thuột.

“Alo mẹ à” - Chuyến này đi có báo trước nên mới tự tin gọi về nhà.
“Con đang ở Buôn Mê...”
“Ở nhà có gió không, có lạnh không?” - Hỏi thế thôi chứ thời niên thiếu của tôi đủ đậm sâu và những chuyến đi đủ xa, đủ lâu để tôi biết rằng: chỉ trong vài tiếng đồng hồ thôi, những cơn gió mùa rít qua kẽ ván ở homestay này sẽ va vào sườn đông của cao nguyên M’nong - nhà tôi.
...
“Tự nhiên con thèm lòng heo quá” - những miếng lòng bốc khói, món ưu thích của cha, mẹ tôi mang về cùng với tiếng bô xe dòn dã khi leo lên những đoạn dốc để trở về ngôi nhà cao nhất thung lũng. Thêm chén mắm tỏi ớt, thêm vài lá rau thơm...

Buổi sáng hôm đó, nắng lên đẹp. Tô cháo lòng bên cạnh Đại học Tây Nguyên vơi dần cùng nỗi nhớ nhà.
“Con đi đây”.

Đoàn chúng tôi lại lên đường. Tạm biệt Tây Nguyên, Nha Trang thẳng tiến.

01/2018

Sâu trong giấc mơ

Sâu trong giấc mơ, có... ...một khu rừng chiều. Ánh sáng gần tắt lịm trong mây, dù mặt trời chưa lặn hẳn. Giữa đám cây gỗ lưa thưa, đứa...