Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Muồng trâu - Loài hoa số 23



MUỒNG TRÂU
Muồng trâu. Mãi tận năm ngoái tôi mới biết tên loài cây này, chị nuôi bướm trong Thảo Cầm Viên nói tôi biết. Xin nhắc đây không phải là loài hoa của mùa đông đâu, HCM bới đâu ra mùa đông. Và nó cũng không phải biểu tượng mùa đông Dakmil nữa. Sự thật thì muồng trâu khó gặp ở Dakmil, bởi vì nó là loài sống gần nước trong khi rìa của cao nguyên là vùng khởi nguồn các dòng sông nên chỉ có những con suối nhỏ thôi. Cơ duyên nào đó khiến chúng trở thành những ngọn nến của mùa đông của riêng tôi, nên tôi mới tặng nó một cái tên thật kêu: Loài hoa của mùa đông. Có một vài loài hoa khác xứng đáng cho danh xưng này hơn, nhắc đến thôi tự dưng tôi thấy sương mù và gió lạnh rồi, tôi sẽ kể về chúng sau. Muồng trâu là loài sống gần nước và HCM nhiều nơi đất ngập, thế nên loài cây này như được mùa vậy. Dakmil đầu đông những bông hoa chỉ những ngọn nến, những đốm lửa rải rác dọc theo các con suối nhỏ. Trong khi ngoài cánh đồng hoang, chúng bừng lên như những ngọn đuốc, như những đám lửa gần gần, xa xa, bên phải bên trái ngập cả tầm mắt. Thiên nhiên thật nhiều điều thú vị…
6 tháng trước…
… Thiên nhiên thật kỳ diệu, có những điều thú vị nhỏ bé ẩn khuất giữa một khoảng không gian bao la xa xôi và không một bóng người. Phải chi có một người ở đây để khoe những phát hiện mới của tôi, phải chi có ai ở bên cạnh để tôi chia sẻ hạnh phúc này… Chợt thấy rùng mình vì cô đơn giữa vũ trụ kiều diễm và phức tạp này. Mình không thể ôm riêng tất cả mọi suy tư và tình cảm trong thế giới của riêng mình mãi được. Rốt cuộc thì về căn bản mỗi người được thiết kế ra để kết nối với người khác. Trong phút chốc chỉ muốn người đứng bên tôi mà ôm chầm lấy. Chỉ có trái tim mới chạm được đến trái tim, chỉ có tâm hồn mới hòa quyện được với tâm hồn. Một nỗi buồn thăm thẳm, xa xôi đến choáng ngợp lao đến xô nghiêng cả bầu trời và mặt đất: Nơi xa người nhớ tôi không?...
Buổi chiều hôm nay cũng không khá gì hơn. Hàng ngàn ngọn lửa không sưởi ấm nổi một cõi lòng.

Ngày 23. November 6st, 2017.
Planck

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Loài hoa của mùa đông - Loài hoa số 22

Loài hoa 22. November 1st, 2017.

Cuối mùa mưa, cánh đồng hoang rần rần trổ bông cho kịp kết hạt trước khi mùa khô đến. Những cơn giông vẫn còn ghé ngang, không khí đẫm sương mai mát lành. Trên những nhành lá, đám cỏ lớp lớp đầy sức sống, những loài hoa dại bung nở. Những bông hoa nhỏ bé, xinh đẹp, giản dị và lẩn khuất, có bông mong manh, có bông cứng cáp, có bông tím, bông trắng, hồng, vàng và cả xanh rải đầy cánh đồng như hoa thêu trên tấm thảm vậy.


“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân” _ Xuân Diệu. Hoa càng nhiều thì tôi càng buồn vì không muốn ngày tàn đến, kéo đi bao nhiêu điều thú vị tôi chưa kịp khám phá ra. Đành đợi những mùa mưa năm mới vậy. Sẽ ổn thôi, vì hành trình 500 loài hoa là hành trình của sự cam kết và kiên trì mà.
Một buổi sáng, tôi chợt thấy mùa khô. Những cơn mưa đã thưa dần từ trước đó, không khí khô đi, mờ bụi bị gió cuốn lên từ mặt đất đang khô lại, vỡ vụn ra như bột. Con đường xanh loang lổ những đám cỏ vàng: chúng sắp chết. Trên những đám cây dại, hoa vẫn nở nhưng thưa dần đi, thay vào đó là từng cùm quả, nhiều quả đã khô đi. Khi trái chín khô hết cũng là lúc cây hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ chết hết. Sớm thôi, màu xanh của cánh đồng sẽ được thay thế bằng màu vàng, màu nâu đen khô héo, phiền muộn. Rồi đến một ngày gió thở dài, mưa bay lất phất và 1 loài hoa báo hiệu, nhà thờ nào đó đang chuẩn bị lễ Các Thánh, nghĩa địa đâu đó đang sắp xếp cho lễ Các Linh hồn: mùa đông đã về Dakmil…
---
Nhiều năm về trước, một buổi sáng mát lạnh tới lạ, tôi lội qua dòng nước lạnh của con suối nhỏ gần nhà rồi đi xuôi theo dòng chảy của nó. Những giọt mưa nhỏ lạnh lẽo rơi xuống trên vai. Nhìn dọc theo thung lũng suối rồi nhìn lên bầu trời xám trắng sang sáng không có mặt trời. Phía xa, vùng đất sình lầy cỏ lùng và cỏ lác được dòng suối tưới mát suốt mùa mưa thấp thoáng những ngọn nến vàng cam, mờ đục. Lội xuống dòng nước một lần nữa để lần tới gốc cây. Cái cây có là giống cây muồng, nhưng thân lại nhỏ hơn nhiều. Tôi lấy hai bàn tay ôm lấy thân cây lay lay, những nụ hoa – những ngọn nến – trên đỉnh rung rung trên nền trời mờ sáng. Cố sức leo lên, thân cây xiêu qua một bên và tôi với hái được một ngọn nến. Cành hoa dai phết còn bông hoa thì có mùi thấy ghê. Nhưng mà trong một ngày buồn thiu, vắng vẻ, lạnh lẽo thế này thì có thứ gì đó để chơi là vui rồi. Giờ thì nghịch nào! Có nhiều búp hoa sắp từ thấp đến cao và vòng quay cành hoa. Cánh hoa đầu tiên bên ngoài mỗi búp hoa có màu vàng cam và trong trong, mịn tê cả mấy đầu ngón tay. Chúng có hình giống cái thuyền thúng, nhưng dài hơn. À, thuyền thì phải bơi trên sông, sông nằm ngay cạnh luôn này. Một chiếc thuyền trôi đi, dập dềnh bên này bên kia, xoay tròn mấy vòng rồi đột ngột lao nhanh, biến mất sau một đám cỏ rồi xuất hiện ở một khúc cua gấp. Vui quá! Đuổi theo nó đi. Một chiếc thuyền bé hơn hạ thủy, hăm hở lao đi, nhưng chắc chắn không đuổi kịp chiếc trước rồi. Cứ như thế một đoàn thuyền xuất hiện trên một khúc sông dài, chiếc sau bé hơn chiếc trước, cứ bé dần dần tới mức không bé nổi nữa bởi vì đã tới đỉnh của ngọn nến rồi. Không sao, còn thứ khác chơi mà. Bên trong mỗi chiếc thuyền là một hạt tròn tròn dài dài nhìn giống quả cà phê nhưng mềm hơn nhiều, bóp nhẹ thì nó tách ra thành những cánh hoa vàng tươi bao bọc lấy những sợi nhị và nhụy bên trong. Mạnh tay thêm chút nữa, miết miết hai đầu ngón tay, từng cánh hoa, nhị nhụy hoa rơi xuống dòng suối nhỏ. Buổi sáng hôm đó dành trọn cho những ngọn nến, những cánh hoa vàng rải đầy trên nền cỏ đang úa dần. Loài cây này có cảm thấy như vậy không nhỉ, vì mấy năm tôi để ý thấy nó cứ ra hoa đầu đông và kết quả vào cuối đông, cái mùa thê lương nhất trong năm. Cuối đông, dòng suối đã trơ đáy, mưa phùn và gió lạnh lất phất đầu đông, ào ạt giữa đông cũng đã mệt mỏi, chỉ còn bầu trời tù mờ gió bụi và nắng hanh. Mà cũng sớm thôi, khi mùa khô chính thức bắt đầu…
À, để tôi nói nghe về các mùa của Dakmil. Chứ buồn cười không, gì mà Đông - Hạ - Xuân - Thu lẫn với mùa Mưa, mùa Khô vậy. Dakmil thuộc tỉnh Daknong, 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên và có thể là tỉnh ít người biết nhất Việt Nam. Tây Nguyên thuộc miền nhiệt đới, mùa mưa từ khoảng từ tháng 4 đến tháng 10, còn mùa khô khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Thế mùa đông ở đâu ra vậy? Tháng 7, tháng 8 vẫn đang là đỉnh điểm mùa mưa, có những đợt mưa bão dầm dề tới cả 1 - 2 tuần liền. Trung thu vẫn còn mùa mưa, gần như năm nào trung thu cũng mưa mặc dù không mưa lớn như tháng 8 nhưng cũng đủ để phá đám cuộc vui ngoài trời. Rồi trong khoảng từ Trung thu đến ngày lễ Các Thánh, lễ Các Linh hồn 01, 02/11, những cơn mưa dông ngưng lúc nào không hay biết, thay vào đó là những cơn mưa phùn dày hạt và gió lạnh, có khi chỉ có mỗi gió mạnh thôi. Đấy là gió mùa Đông Bắc thổi mãi từ Siberia, qua Trung Quốc, hớt theo ít hơi ẩm biển Đông tới Tây Nguyên. Vượt hàng trăm dặm cao Nguyên Đăk Lak, va vào sườn cao nguyên M’nong cao hơn gây ra gió mạnh và mưa lạnh. Chỗ đó là Dakmil, hay tôi gọi là “rìa của cao nguyên”. Mùa đông từ đấy mà ra. Mười mấy năm kiểu gì tới ngày lễ Các Thánh và lễ Các Linh hồn mùa đông cũng đã rõ ràng. Mùa đông kéo qua Noel và dừng lại đâu đó trước Tết. Tết của Dakmil rớt vô mùa khô chính thức, mùa mà ngày thì nắng ròng, bầu trời không một gợn mây, khô khốc và mờ bụi, gió thì vẫn mạnh và ban đêm vẫn còn lạnh. Nếu gọi mùa xuân là mùa của sự sống, của sự tái sinh thì mùa xuân thực thụ của Dakmil phải là lúc trời đất chuyển mình từ sang mùa mưa mới. Gió ẩm Tây Nam kéo mây về, không khí hừng hừng, bao nhiêu cây lá bung ra sức sống xanh non, tươi sáng cùng với những cơn mưa đầu mùa ồn ào, sớm chớp và ngai ngái mùi đặc trưng. Lúc này dòng suối vẫn chưa đủ nước để chảy. Cây muồng trâu vẫn đứng ở đó, không còn một chiếc lá hay một bông hoa nào hết, hàng chục trái khô chứa đầy hạt rung lên rào rào mỗi khi bi tôi đạp vào. Những mầm non mới đang lú nhú…
---
HCM 02/11/2017, ngọn nến đã thắp lên ngoài đồng hoang, mùa khô đã về. Nơi này không có mùa đông. Điều đó không có nghĩa là tôi không cảm thấy nó. Mùa đông lại về trong tôi như 19 năm vẫn thế, mang theo những nỗi cô đơn, nỗi buồn mụng mị lạ lùng. Và năm nay, tôi có thêm một nỗi buồn mới mang tên nỗi buồn của kẻ khác.

Rìa của cao nguyên.
November 1st, 2017.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

My own chemistry - Kỳ 6: Nấu ăn và hóa học

HÓA HỌC CỦA RIÊNG TÔI
KỲ 6: NẤU ĂN VÀ HÓA HỌC.

Trên bếp của nhà hàng có 3 nồi lớn.
-          Cu, vô phụ anh khuấy cái này đi.
-          Khuấy bao nhiêu lâu anh?
-          2 tiếng!
-          (chắc anh đùa) Mà khuấy để làm gì vậy anh?
-          -  Cho nó sôi nhanh hơn.
Cho nó sôi nhanh hơn?... Khoan, tôi ngửi mùi gì đó. Sôi nhanh hơn? Lửa, năng lượng, nhiệt năng, nhiệt độ… Mọi thứ đang kết nối lại: dung dịch, đối lưu, khuấy, cái nồi hình trụ, becher, ống nghiệm hình trụ, muôi, đũa thủy tinh, tiếng leng keng, ánh sáng đỏ xuyên qua từ bếp…
Ánh sáng!
-          Cho nó sôi đều hơn chứ?
-          À, đúng rồi – anh đầu bếp đáp.
-          Nếu không khuấy nó sẽ bị cháy?
-          Ăn sẽ có mùi hơi khét khét. Ủa sao chú biết?
-          - (cười mỉm) Hóa học!
Vào một ngày đẹp trời của năm 3, bạn Cường chợt nhận ra những chân lý của môn Hóa Lý 1 học hồi năm 2!
Bếp cung cấp nhiệt, nhiệt truyền vào nước làm nước sôi. Nhiệt độ của chất lỏng (ý là dung dich) là thước đo cho mức độ “vật vã” của các hạt vật chất. Chúng càng vật vã, càng dao động quanh một chỗ càng mạnh thì có nhiệt độ càng cao. Tới một mức các hạt vật chất dao động quá mạnh nên rủ nhau bay ra khỏi dung dịch, thì lúc đó dung dịch sôi. Các hạt vật chất trong dung dịch mà càng nặng hoặc càng hút lấy nhau bền chặt, thì phải cung cấp nhiều nhiệt hơn để nó dao động, tức là phải đun lâu hơn để nó nóng hơn và nhiệt độ sôi của nó càng cao. Ví dụ như nước bình thường sôi ở 100˚C nhưng nếu ta bỏ thêm muối vô, muối níu kéo những hạt phân tử nước lại làm cho nước muối sôi ở hơn 100˚C. Bỏng canh nguy hiểm hơn bỏng nước sôi cũng vì lý do đó.
Nhưng tại sao ta phải khuấy? Trước khi nhiệt đi từ bếp vào dung dịch, nó phải đi qua vật dùng để chứa dung dịch đó. Vật chứa là chất rắn. Chất rắn truyền nhiệt bằng cách truyền nhiệt, nhiệt đi lần lần từ nguyên tử, phân tử này qua nguyên tử, phân tử khác. Kim loại thì dẫn nhiệt tốt hơn thủy tinh, thủy tinh dỏm còn bị vỡ khi nóng lạnh không đều nữa. Chất lỏng/ dung dịch truyền nhiệt bằng đối lưu, quá trình diễn ra như sau: phần chất lỏng dưới đáy vật chứa được truyền nhiệt và nóng lên, nở ra và nổi lên trên đồng thời phần chất lỏng lạnh hơn thế chỗ vô, dần dần toàn bộ chất lỏng nóng như nhau và sôi cùng lúc. Vấn đề xảy ra khi có những cản trở làm đối lưu không kịp, nước nóng lên ko đều, nếu đun bằng bình thủy tinh dỏm thì nguy cơ vỡ, bị bắt đền và học lại rất cao, chưa kể nguy cơ dưới đáy sôi trước, hơi thoát ra ào ạt phụt dung dịch hóa chất bay ra; nếu đun trong xoong nồi kim loại thì không lo vỡ, mà nó cháy luôn, trước khi cháy cái nồi thì nó cháy đồ ăn trước. Nấu nước sôi thì chẳng lo, nước lẩu vẫn ổn, nước sốt phải khuấy lẹ tay, còn súp, cháo thì cực kỳ cẩn thận. Tự nhiên nhớ tới nồi bánh tét bự chảng ở góc sân mỗi dịp Tết, lúc nghe tiếng nước sôi ọc ọc dưới đáy thì vẫn thì tay trên đỉnh nồi bánh bình thường, ấm nữa chứ. Mẹ tôi lúc nào cũng lót vài lớp lá chuối dưới đáy, để lỡ cháy cũng không hư bánh.
“Gạn gạn gì thế? Lớp nổi lềnh bềnh trên là mỡ bò, dưới là pate.” Đun lên, khuấy trộn nó: hệ nhũ tương, hệ huyền phù, các hệ phân tán không bền nhiệt động…
Có một thằng dở giữa trưa đứng cười trong bếp. Cuộc đời này thật nhiều điều thú vị, như nấu ăn và hóa học vậy.

HCM, September 5, 2017

Sâu trong giấc mơ

Sâu trong giấc mơ, có... ...một khu rừng chiều. Ánh sáng gần tắt lịm trong mây, dù mặt trời chưa lặn hẳn. Giữa đám cây gỗ lưa thưa, đứa...