Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Cuộc chiến giữa kiến và ong



Nhận diện
Đa số các loài ong là những loài sinh vật có tính xã hội rất cao. Chúng có sự chuyên hoá trong cấu trúc cơ thể và giới tính để phù hợp với những vai trò khác nhau trong việc xây tổ, kiếm ăn, bảo vệ tổ, sinh sản và chăm sóc con non. Một con ong không thể duy trì sự sống và sinh sản một cách đơn lẻ. Vì vậy chúng có sự phối hợp rất chặt chẽ và sãn sàng hy sinh cho đàn của mình. Đó là sức mạnh lớn nhất của loài ong. Bên cạnh đó, cũng không quên kể đến đức tính chăm chỉ, khả năng bay và định hướng không gian điêu luyện, cùng với nọc độc của phần lớn các loài ong.

Thế nhưng có những loài ong bằng một cách nào đó đã không sở hữu thứ vũ khí đáng sợ mang tên nọc độc. Đó là nhóm ong không nọc, hay còn gọi là ong dú. Chúng có cơ thể nhỏ, xây tổ trong những hốc đất, hốc cây và cả những kẽ hở của hang đá. Nhỏ bé và không có nọc nên chúng khá hiền lành.
Trong các loài có tập tính xã hội cao, chúng ta cũng không nên quên  nhắc đến loài kiến. Chúng cũng sở hữu các đặc tính xã hội tương tự loài ong như sự biệt hoá cơ thể và vai trò, tinh thần đoàn kết và sẵn sàng hy sinh. Nhưng khác với ong ăn thực vật, kiến có chế độ ăn tạp. Chúng ăn cả thực vật, động vật và nấm. Không chỉ nhặt nhạnh, kiến cũng là kẻ săn mồi có máu mặt. Nhỏ bé hơn phần lớn các con mồi của mình, nhưng chúng có sức khoẻ vượt trội so với kích thước, đôi càng sắc, nọc ở đuôi và quan trọng hơn là số lượng áp đảo cùng với tính lì lợm. Kiến có chiến lược đi săn cụ thể: tấn công, đeo bám, liên tiếp chích nọc độc làm tê liệt con mồi, xả xác bằng những đôi càng sắc nhọn và vận chuyển về tổ. Chúng ta dễ dàng liệt kê một danh sách dài những nạn nhân của kiến như giun, châu chấu, bọ ngựa, nhện, chim... Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra khi có một cuộc đụng độ giữa kiến và ong?

Chạm trán
Một tổ ong dú nằm ở lỗ hổng trong một căn nhà gỗ. Cái vòi sáp dài ở cổng tổ ong vừa bị đứt trong một lần sửa nhà gần đây.
Một loài kiến sống dọc theo các vách tường bê tông, có khả năng đục khoét các kẽ hở để làm tổ. Chúng đang lang thang mở rộng địa bàn kiếm ăn của mình. Và chúng đã phát hiện ra con mồi tiềm năng: một tổ ong với rất nhiều mật, thịt và cả những con nhộng béo ngậy. Thật đáng cho một cuộc đi săn.
Vào một chiều tháng 8 âm u, các con kiến tập trung một lực lượng lớn bên ngoài tổ ong rồi bất ngờ tấn công đồng loạt. Chúng chia cắt những con ong bên ngoài với những con ong ở trong, cô lập tổ ong. Kiến tiến sát cổng vào, rung rinh râu thăm dò và tiến vào. Bầy ong phát tín hiện khẩn cấp rồi tuôn ra như xả lũ, đẩy lũ kiến ra ngoài. Những con ong bò náo loạn xung quanh cửa hang, dẫm đạp lên đàn kiến. Nhưng khi ở trên mặt đất, ong chỉ là những sinh vật to kệnh vụng về nếu so với những con kiến thiện chiến. Kiến bình tĩnh đáp trả, gan lì bám trụ và dùng đôi càng cặp vào chân ong. Ba, bốn rồi ngày càng nhiều kiến đeo bám một con ong rồi ra sức kéo căng về mọi phía. Phần lớn ong tháo chạy lên không trung trong khi một số không thể thoát thân, xác của chúng bị cắt thành từng mảnh và bị tha đi. Những con ong tìm cách đáp xuống nhanh chóng bị đẩy lui. Đàn kiến lại độc chiếm mặt đất nhưng đàn ong đã đạt được mục đích của mình: bảo vệ cửa hang. Thường xuyên có 3 con ong đứng án lấy lối vào, quay cái đầu to và cứng ra chống lại những đôi càng của kiến. Cứ mỗi lần kiến xông lên là ong giữ cổng xô ra rồi nhanh chóng lùi lại bít kín cổng. Đàn kiến ra sức tấn công nhưng vô hiệu. Hai bên rơi vào thế giằng co.

Cầm cự
Mặt trời dần xuống. Kiến có lý do để  trông chờ bóng tối vì chúng có khả năng kiến ăn ban đêm còn ong thì không. Trong suốt thời gian này, đàn kiến vẫn tập trung quân số lớn và chờ đợi. Thế nhưng những con ong lần nữa cho thấy mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng. Một hàng rào bằng sáp ong được dựng nên che kín lối vào. Loại sáp này đủ bền dẻo để chống lại những con kiến to khoẻ nhất.

Kết cục
Sáng hôm sau khi mặt trời lên, cánh cổng kín được mở ra và liên tục có ong canh gác. Đàn kiến nhận thấy chúng sẽ không thu được lợi ích tương xứng nếu tiếp tục bao vây tổ ong. Chúng thu quân về dần dần, tới lúc chỉ còn vài con kiến lang thang kiếm ăn gần đó. Cuộc sống yên bình trở lại với đàn ong dú. Chúng tiếp tục làm việc chăm chỉ, xây chiếc vòi dài hơn và sẵn sàng trước những đợt tấn công khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sâu trong giấc mơ

Sâu trong giấc mơ, có... ...một khu rừng chiều. Ánh sáng gần tắt lịm trong mây, dù mặt trời chưa lặn hẳn. Giữa đám cây gỗ lưa thưa, đứa...