Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Tây Nguyên - DÀI NHƯ CÁI GHẾ

DÀI NHƯ CÁI GHẾ
Kpan tại và bạn Phượng tại Bảo tàng tỉnh Dak Lak

HCM, October 13, 2017
Buôn Ma Thuột mùa mưa 2016. Cô bạn này vừa “sáng thức dậy ở một nơi xa” trước đó mấy ngày. Tôi cũng vừa xuống Phố (tạm gọi vậy đi) chính thức lần đầu tiên chừng 2 tiếng trước. Trong 1 chốc lát của cuộc đời, hai con người xa xôi ngồi lại trên chiếc “ghế dài” bất thường này. Chắc hẳn chuyến đi đến chiếc ghế dài kia là một câu chuyện dài. Câu chuyện của tôi cũng không có ngắn. Rồi những cơ duyên lại nối dài những câu chuyện dài của tôi với chiếc ghế đặc biệt này. Sau hơn 1 năm, tôi có cả chục câu chuyện để nói về nó, Câu chuyện đầu tiên: Lần đầu xuống Phố.
Lần đầu tiên xuống núi, xuống HCM học đại học, người ta nghe tôi bảo dân Tây Nguyên mới hỏi là có cưỡi voi đi học không. Chuyện thường thế mà cũng hỏi nữa. Rồi người ta còn hỏi đã đi Đà Lạt chưa. Đà Lạt ấy hả, từ Dakmil của tôi đi Đà Lạt có 2 đường lớn, đường nào cũng đi vòng vòng và xa mấy trăm cây số. Tôi chưa đi Đà Lạt, cũng chưa xuống Phố lần nào cho ra hồn. Tự nhiên tôi nhận ra điểm đặc biệt của Tây Nguyên. Tây Nguyên rộng lắm, vùng rộng top Việt Nam mà chỉ có 5 tỉnh, tỉnh nào cũng chà bá. Đô thị thì ít, dân cư sống rải rác, đường thì xa lại còn nhiều đèo dốc. Người dân cũng không hay đi du lịch. Tới khi đi học đại học, tôi mới chỉ tới Gia Nghĩa.
Một ngày đầu hè năm nhất. Tôi quyết định xuống Buôn Ma Thuột - tức xuống Phố - mừng sinh nhật bạn cấp 3, dự đám cưới họ hàng và đại diện dân núi đón bạn đại học từ Bình Phước lên chơi nữa. Nói cho ngầu vậy thôi chứ nó tới Buôn Ma Thuột mấy lần rồi. Hẹn nhau ở cổng Biệt điện Bảo Đại, 2 đứa chẳng biết đi đâu nên mò vào đó chơi luôn. Rồi nó kéo tôi vào cái tòa nhà có mái dựa theo hình mái nhà rông: Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk. Trong bảo tàng, tôi bị ám ảnh bởi bộ đồ dùng thuần hóa voi, chất chẳng khác bộ đồ chơi trong 50 sắc thái cả. Nằm ở tầng trên cùng, rộng và có ánh sáng tự nhiên chiếu vào nhiều nhất, chiếc ghế dài là điểm cuối của hành trình khám phá sáng hôm đó. Chiếc ghế vì chiều dài bất thường của nó, tầm mười mấy hai mươi mét, nên tôi tự gọi nó là ghế dài. Mặt ghế dày và hoàn toàn liền khối. Tôi thường thấy trong các gia đình thường có bộ phản dài rộng vài mét, nhưng có khi ghép từ mấy tấm, tự nhiên cảm thấy người Ê đê đúng là đại gia. Mục đích chính của cái ghế chắc chắn không phải để ngồi và nó phải được đặt trong một không gian đặc biệt tương xứng với tầm vóc của nó (tại nơi ở của người Ê đê, không phải tại nơi trưng bày này). Lúc ấy chiếc ghế cho tôi thêm một biểu tượng về sự hoành tráng, hùng vĩ của núi rừng cao nguyên, không có gì hơn, và tôi cũng không có ý định tìm hiểu sâu hơn.

 Hơn 1 năm sau, vào những ngày cuối hè năm 2, tôi không hẹn mà gặp lại chiếc ghế giống vậy tại một nơi khác của Buôn Ma Thuột. Kèm theo đó tôi được gặp những con người thú vị đã tìm hiểu rất sâu rộng về chiếc ghế này và những điều liên quan. Thế là những câu chuyện cứ nhiều lên và dài thòng lòng như cái ghế.
(còn tiếp...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sâu trong giấc mơ

Sâu trong giấc mơ, có... ...một khu rừng chiều. Ánh sáng gần tắt lịm trong mây, dù mặt trời chưa lặn hẳn. Giữa đám cây gỗ lưa thưa, đứa...