Loài hoa 22. November 1st, 2017.
Cuối mùa mưa, cánh đồng hoang rần
rần trổ bông cho kịp kết hạt trước khi mùa khô đến. Những cơn giông vẫn còn ghé
ngang, không khí đẫm sương mai mát lành. Trên những nhành lá, đám cỏ lớp lớp đầy
sức sống, những loài hoa dại bung nở. Những bông hoa nhỏ bé, xinh đẹp, giản dị
và lẩn khuất, có bông mong manh, có bông cứng cáp, có bông tím, bông trắng, hồng,
vàng và cả xanh rải đầy cánh đồng như hoa thêu trên tấm thảm vậy.
“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài
xuân” _ Xuân Diệu. Hoa càng nhiều thì tôi càng buồn vì không muốn ngày tàn đến,
kéo đi bao nhiêu điều thú vị tôi chưa kịp khám phá ra. Đành đợi những mùa mưa
năm mới vậy. Sẽ ổn thôi, vì hành trình 500 loài hoa là hành trình của sự cam kết
và kiên trì mà.
Một buổi sáng, tôi chợt thấy mùa
khô. Những cơn mưa đã thưa dần từ trước đó, không khí khô đi, mờ bụi bị gió cuốn
lên từ mặt đất đang khô lại, vỡ vụn ra như bột. Con đường xanh loang lổ những
đám cỏ vàng: chúng sắp chết. Trên những đám cây dại, hoa vẫn nở nhưng thưa dần
đi, thay vào đó là từng cùm quả, nhiều quả đã khô đi. Khi trái chín khô hết
cũng là lúc cây hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ chết hết. Sớm thôi, màu xanh của
cánh đồng sẽ được thay thế bằng màu vàng, màu nâu đen khô héo, phiền muộn. Rồi
đến một ngày gió thở dài, mưa bay lất phất và 1 loài hoa báo hiệu, nhà thờ nào
đó đang chuẩn bị lễ Các Thánh, nghĩa địa đâu đó đang sắp xếp cho lễ Các Linh hồn:
mùa đông đã về Dakmil…
---
Nhiều năm về trước, một buổi sáng
mát lạnh tới lạ, tôi lội qua dòng nước lạnh của con suối nhỏ gần nhà rồi đi
xuôi theo dòng chảy của nó. Những giọt mưa nhỏ lạnh lẽo rơi xuống trên vai.
Nhìn dọc theo thung lũng suối rồi nhìn lên bầu trời xám trắng sang sáng không
có mặt trời. Phía xa, vùng đất sình lầy cỏ lùng và cỏ lác được dòng suối tưới mát
suốt mùa mưa thấp thoáng những ngọn nến vàng cam, mờ đục. Lội xuống dòng nước một
lần nữa để lần tới gốc cây. Cái cây có là giống cây muồng, nhưng thân lại nhỏ
hơn nhiều. Tôi lấy hai bàn tay ôm lấy thân cây lay lay, những nụ hoa – những ngọn
nến – trên đỉnh rung rung trên nền trời mờ sáng. Cố sức leo lên, thân cây xiêu
qua một bên và tôi với hái được một ngọn nến. Cành hoa dai phết còn bông hoa
thì có mùi thấy ghê. Nhưng mà trong một ngày buồn thiu, vắng vẻ, lạnh lẽo thế
này thì có thứ gì đó để chơi là vui rồi. Giờ thì nghịch nào! Có nhiều búp hoa sắp
từ thấp đến cao và vòng quay cành hoa. Cánh hoa đầu tiên bên ngoài mỗi búp hoa
có màu vàng cam và trong trong, mịn tê cả mấy đầu ngón tay. Chúng có hình giống
cái thuyền thúng, nhưng dài hơn. À, thuyền thì phải bơi trên sông, sông nằm ngay
cạnh luôn này. Một chiếc thuyền trôi đi, dập dềnh bên này bên kia, xoay tròn mấy
vòng rồi đột ngột lao nhanh, biến mất sau một đám cỏ rồi xuất hiện ở một khúc
cua gấp. Vui quá! Đuổi theo nó đi. Một chiếc thuyền bé hơn hạ thủy, hăm hở lao
đi, nhưng chắc chắn không đuổi kịp chiếc trước rồi. Cứ như thế một đoàn thuyền xuất hiện trên một khúc sông dài, chiếc sau bé hơn chiếc trước, cứ bé dần dần tới
mức không bé nổi nữa bởi vì đã tới đỉnh của ngọn nến rồi. Không sao, còn thứ
khác chơi mà. Bên trong mỗi chiếc thuyền là một hạt tròn tròn dài dài nhìn giống
quả cà phê nhưng mềm hơn nhiều, bóp nhẹ thì nó tách ra thành những cánh hoa vàng
tươi bao bọc lấy những sợi nhị và nhụy bên trong. Mạnh tay thêm chút nữa, miết miết
hai đầu ngón tay, từng cánh hoa, nhị nhụy hoa rơi xuống dòng suối nhỏ. Buổi
sáng hôm đó dành trọn cho những ngọn nến, những cánh hoa vàng rải đầy trên nền
cỏ đang úa dần. Loài cây này có cảm thấy như vậy không nhỉ, vì mấy năm tôi để ý
thấy nó cứ ra hoa đầu đông và kết quả vào cuối đông, cái mùa thê lương nhất
trong năm. Cuối đông, dòng suối đã trơ đáy, mưa phùn và gió lạnh lất phất đầu
đông, ào ạt giữa đông cũng đã mệt mỏi, chỉ còn bầu trời tù mờ gió bụi và nắng
hanh. Mà cũng sớm thôi, khi mùa khô chính thức bắt đầu…
À, để tôi nói nghe về các mùa của
Dakmil. Chứ buồn cười không, gì mà Đông - Hạ - Xuân - Thu lẫn với mùa Mưa, mùa
Khô vậy. Dakmil thuộc tỉnh Daknong, 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên và có thể là tỉnh
ít người biết nhất Việt Nam. Tây Nguyên thuộc miền nhiệt đới, mùa mưa từ khoảng
từ tháng 4 đến tháng 10, còn mùa khô khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Thế
mùa đông ở đâu ra vậy? Tháng 7, tháng 8 vẫn đang là đỉnh điểm mùa mưa, có những
đợt mưa bão dầm dề tới cả 1 - 2 tuần liền. Trung thu vẫn còn mùa mưa, gần như năm
nào trung thu cũng mưa mặc dù không mưa lớn như tháng 8 nhưng cũng đủ để phá
đám cuộc vui ngoài trời. Rồi trong khoảng từ Trung thu đến ngày lễ Các Thánh, lễ
Các Linh hồn 01, 02/11, những cơn mưa dông ngưng lúc nào không hay biết, thay
vào đó là những cơn mưa phùn dày hạt và gió lạnh, có khi chỉ có mỗi gió mạnh
thôi. Đấy là gió mùa Đông Bắc thổi mãi từ Siberia, qua Trung Quốc, hớt theo ít
hơi ẩm biển Đông tới Tây Nguyên. Vượt hàng trăm dặm cao Nguyên Đăk Lak, va vào
sườn cao nguyên M’nong cao hơn gây ra gió mạnh và mưa lạnh. Chỗ đó là Dakmil,
hay tôi gọi là “rìa của cao nguyên”. Mùa đông từ đấy mà ra. Mười mấy năm kiểu
gì tới ngày lễ Các Thánh và lễ Các Linh hồn mùa đông cũng đã rõ ràng. Mùa đông
kéo qua Noel và dừng lại đâu đó trước Tết. Tết của Dakmil rớt vô mùa khô chính
thức, mùa mà ngày thì nắng ròng, bầu trời không một gợn mây, khô khốc và mờ bụi,
gió thì vẫn mạnh và ban đêm vẫn còn lạnh. Nếu gọi mùa xuân là mùa của sự sống,
của sự tái sinh thì mùa xuân thực thụ của Dakmil phải là lúc trời đất chuyển
mình từ sang mùa mưa mới. Gió ẩm Tây Nam kéo mây về, không khí hừng hừng, bao
nhiêu cây lá bung ra sức sống xanh non, tươi sáng cùng với những cơn mưa đầu
mùa ồn ào, sớm chớp và ngai ngái mùi đặc trưng. Lúc này dòng suối vẫn chưa đủ
nước để chảy. Cây muồng trâu vẫn đứng ở đó, không còn một chiếc lá hay một bông
hoa nào hết, hàng chục trái khô chứa đầy hạt rung lên rào rào mỗi khi bi tôi đạp
vào. Những mầm non mới đang lú nhú…
---
HCM 02/11/2017, ngọn nến đã thắp
lên ngoài đồng hoang, mùa khô đã về. Nơi này không có mùa đông. Điều đó không
có nghĩa là tôi không cảm thấy nó. Mùa đông lại về trong tôi như 19 năm vẫn thế,
mang theo những nỗi cô đơn, nỗi buồn mụng mị lạ lùng. Và năm nay, tôi có thêm một
nỗi buồn mới mang tên nỗi buồn của kẻ khác.
Rìa của cao nguyên.
November 1st, 2017.